Skip to content
Trang chủ » Gạo trắng có đáng sợ như bạn nghĩ?

Gạo trắng có đáng sợ như bạn nghĩ?

Mình có cô bạn, mỗi lần nhắc tới cơm trắng là giật bắn người. Lắc đầu nguây nguẩy “Ăn cơm là bị béo đấy”. Ngoài cơm trắng ra còn hàng hà những nguyên nhân khác làm cho bạn bị béo. Bánh mì ngọt, bánh bông lan, bánh mì trắng, mì ý, pizza, trà sữa…À còn chưa kể đến trái cây với mấy loại nước ép nữa. Nên nhớ gạo lứt có calo cao hơn gạo trắng. Chẳng qua là nó được tiêu hoá và hấp thụ chậm hơn thôi. Người ta cho rằng gạo trắng gây ra chứng béo phì và tiểu đường. Ca ngợi gạo lứt vì công dụng chữa bệnh của nó. Vậy gạo trắng có đáng sợ như bạn nghĩ?

Này, mình hỏi thật “Cơm trắng ngon hơn cơm gạo lứt đúng không?”. Đừng dối mình nhé, nói dối là ăn gạo lứt cả đời đấy :). Khi ăn kiêng hay áp dụng một chế độ ăn uống nào đó. Bạn đừng nghe theo lời khuyên ai đó, kể cả mình. Hãy tự hỏi tại sao cái này tốt, tại sao gạo lứt lại tốt? Cơ thể mỗi người vận động theo một cơ chế khác nhau. Tuỳ vào lượng cơ, mỡ,… và cường độ vận động của mỗi người. Ăn nhiều quá mức một loại thực phẩm tốt lại hoá ra xấu.

 

Gạo lứt có tốt như lời đồn thổi?

Gạo lứt là loại gạo được xay xát chỉ bỏ lớp vỏ trấu và giữ nguyên lớp vỏ cám. Chúng rất giàu sinh tố và nguyên tố vi lượng.

Gạo lứt và gạo trắng khác nhau ở mức độ trong quá trình xay xát, nếu gia tăng mức độ xay xát lên thì gạo lứt sẽ trở thành gạo trắng. Thành phần dinh dưỡng của loại gạo này gồm có: tinh bột, chất đạm, chất xơ, các nguyên tố vi lượng như magie, canxi, sắt, selen… và giàu vitamin như B1, B2, B3, B6…

Cùng tìm hiểu một chút thành phần dinh dưỡng của gạo lứt

Trong 100g gạo lứt nấu chín có

  • 112 calories
  • 23.5 g tinh bột
  • 1.8g chất xơ

Tại sao gạo lứt được ví như một loại thuốc?

Gạo trắng có đáng sợ như bạn nghĩ?

Nó được xem như một loại thực phẩm chữa lành. Thực dưỡng Oshawa cũng lấy việc ăn cơm gạo lưt muối mè như một phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Một vài công dụng của gạo lứt có thể kể đến như:

  • Ngăn ngừa táo bón, nhuận tràng, lợi tiểu (do hàm lượng chất xơ cao).
  • Kiểm soát lượng đường trong máu (do có lượng đường thấp)
  • Ngăn ngừa nguy cơ ung thư ruột kết
  • Giảm cholesterol và mỡ nhiễm trong máu (nhờ dầu và chất xơ trong gạo lứt)
  • Ngăn ngừa bệnh tim, hạ huyết áp và làm giảm nguy cơ hình thành các mảng bám trong động mạch.
  • Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể. Chất xơ trong gạo lứt giúp kiểm soát lượng calo và tạo cảm giác no lâu).
  • Tốt cho của xương (do giàu magie, canxi)
  • Giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn (nhờ các chất magie, selen)

Gạo huyết rồng không phải gạo lứt

Gạo huyết rồng (red rice) là giống lúa sạ được trồng ở vùng nước ngập sâu, màu đỏ nâu. Bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, gạo nấu cơm thơm ngậy. Cơm gạo huyết rồng càng nhai càng có vị ngọt và béo bùi. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, hay được dùng làm bột dinh dưỡng cho trẻ em.

Trong khi đó theo nghiên cứu ban đầu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Gạo huyết rồng lại có chỉ số đường huyết thuộc nhóm cao 75,1. Hoàn toàn không phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường

Hoá ra gạo trắng là kẻ vô dụng ư?

Gạo trắng có đáng sợ như bạn nghĩ?

Bạn nên nhớ này, Cha mẹ tổ tiên, kể cả hàng xóm của bạn từ xưa tới nay chẳng phải vẫn ăn gạo trắng đấy sao?. Chưa kể những nước Châu Á, họ cũng ăn cơm trắng đấy thôi? Cùng tìm hiểu một chút về thành phần dinh dưỡng của gạo trắng để có cái nhìn cụ thể hơn

Thành phần dinh dưỡng của gạo trắng

Trong 100g gạo trắng nấu chín có:

  • 130 calories
  • 28.6g tinh bột
  • 0.3g chất xơ

Về các vitamin và khoáng chất, gạo trắng chỉ ít hơn gạo lứt thôi chứ không phải là không có giá trị dinh dưỡng gì.

Bạn đang lo lắng về lượng chất xơ trong gạo trắng ư?. Các nhà khoa học đề nghị 30-38g chất xơ với đàn ông và 25g chất xơ đối với phụ nữ một ngày. Chất xơ có rất nhiều trong rau củ quả nên không nhất thiết chỉ lấy chất xơ trong gạo lứt.

Gạo trắng phù hợp với những đối tượng nào?

Cơm trắng là món ăn quen thuộc của người châu Á

Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tăng lượng folate. Khoáng chất này có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số dị tật thai bất thường, đặc biệt là các khiếm khuyết ống thần kinh.

Bệnh thận: Những người bị bệnh thận nên hạn chế dung nạp photpho và kali trong chế độ ăn uống của mình. Mà gạo lứt lại chứa 2 chất này nhiều hơn gạo trắng. Do đó, ai mắc bệnh thận ăn gạo trắng tốt hơn.

Bệnh đường ruột: Những người bị các bệnh đường ruột như viêm túi thừa, tiêu chảy và sau khi phẫu thuật có liên quan đến dạ dày hoặc ruột luôn cần một chế độ dinh dưỡng ít chất xơ hơn. Và gạo trắng chứa chất xơ ít hơn gạo lứt nên có thể là sự lựa chọn tốt hơn cho các bệnh nhân này.

Những người có cường độ vận động cao, cần nguồn năng lượng nhanh, tức thì: Hầu hết những vận động viên, đặc biệt là dân thể hình. Họ cần xây dựng cơ bắp, cần nạp năng lượng để tập luyện hiệu quả hơn.

Những người gầy, muốn tăng cân: Theo ý kiến cá nhân, cơm trắng sẽ giúp bạn tăng cân hiêụ quả. Chất xơ trong gạo lứt khiến bạn có cảm giác no lâu và không ăn được nhiều. Cơm trắng ngược lại dễ tiêu hoá và ngon miệng hơn.

Lỗi của gạo trắng là gì?

Như đã đề cập, thực phẩm nào ăn quá nhiều sẽ phản tác dụng. Chắc chắn phải có lý do mà các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn gạo lứt.

Cơm trắng có ít chất xơ nên dễ dàng chuyển hoá thành năng lượng. Khi đến ruột non sẽ nhanh chóng thẩm thấu để đưa đường vào máu. Điều này làm tăng Isulin trong máu, khiến cơ thể rơi vào trạng thái tích mỡ. Lượng isulin tăng cao làm kích thích cảm giác thèm ăn, mệt mỏi và dĩ nhiên là “béo hơn”. Cuối đường hầm là căn bệnh tiểu đường loại 2 đang chờ đợi.

Gạo trắng hay gạo lứt đều là tinh bột, đều có mặt trái

Tiêu biểu là lượng chất xơ có trong gạo lứt. Chất  xơ cứng không tiêu hóa được trong gạo lứt sẽ gây tổn thương cho hệ thống đường ruột rất mỏng nhất là ở các bệnh nhân có vấn đề về hệ tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn…

Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của gạo lứt mà chỉ là lời truyền miệng.

Nếu tách rời các thành phần của gạo lứt, rõ ràng chúng có rất nhiều tác dụng, thậm chí có thể chữa bệnh ung thư. Tuy nhiên, loại ngũ cốc này chỉ chứa hàm lượng vitamin B1 và chất xơ cao, còn lại đều không đáng kể. Nếu muốn tận dụng được tác dụng của những thành phần đó, chúng ta cần phải ăn với số lượng rất nhiều. Bên cạnh đó, việc vitamin B1 dễ hòa tan trong nước, nên trong quá trình sử dụng nếu ngâm quá lâu hoặc vo gạo kỹ, lượng vitamin đó sẽ không còn. Trong quá trình nấu, nếu mở vung, vitamin sẽ bay hết.

Gạo trắng có đáng sợ như bạn nghĩ?

Ăn gạo trắng và gạo lứt như thế nào cho an toàn?

Chúng ta chỉ nên ăn gạo lứt 2-3 lần/tuần bởi dùng thường xuyên không mang nhiều lại lợi ích, thậm chí còn gây phản tác dụng. Khi ăn, bạn phải nhai thật kỹ cho đến khi ra nước mới nuốt, nếu không sẽ gây ra chứng khó tiêu. Đặc biệt, trẻ em, người cao tuổi, thể trạng yếu, gầy gò, đang mang thai, cần bồi bổ sức khỏe không nên ăn gạo lứt thường xuyên, gây suy giảm sức khỏe, thiếu chất, vitamin.

Cơm trắng chỉ không tốt đối với người bị bệnh béo phì , tiểu đường hoặc không vận động mà thôi. Thời điểm tốt nhất để ăn cơm trắng là trước hoặc sau buổi tập thể dục, tập gym 30 phút. Khi cơ thể cần nhiều năng lượng nhất. Để giảm bớt khả năng thẩm thấu đường vào máu, bạn nên bổ sung rau xanh, nhiều chất xơ trước khi ăn cơm trắng.

Lời kết

Bún gạo lứt, bánh chưng gạo lứt, bột gạo lứt, sữa gạo lứt,… còn không biết bao nhiều sản phẩm khác với danh nghĩa “gạo lứt”. Nhằm đánh vào tâm lý “À, gạo lứt thì tốt lắm”. Mục đích của nhãn hàng là thúc đẩy tiêu thụ khi mà gạo trắng nhận được sự thờ ơ của người tiêu dùng. Như đã đề cập, gạo trắng và gạo lứt đều là tinh bột. Một khi đã hấp thụ vào cơ thể mà không được tiêu hao hết thì sẽ tích mỡ và gây tăng cân. Thực đơn của mình bao gồm cả hai loại gạo này. Mình ăn cơm trắng trước khi tập, các bữa còn laị thì sử dụng gạo lứt hoặc chỉ ăn gạo lứt 2 bữa trong tuần. Gạo trắng không quá đáng sợ như bạn nghĩ đâu. Lời khuyên của mình là:

  • Kết hợp ăn cả hai loại gạo theo lịch vận động
  • Đa dạng hoá tinh bột từ nhiều loại thực phẩm khác như hạt Quinoa, buckwheat,…
  • Nếu bạn đang trong chế độ giảm mỡ thì hãy hạn chế tối đa tinh bột, kể cả gạo lứt
  • Tập luyện thể thao thường xuyên để tiêu hao lượng tinh bột nạp vào. Nếu bạn là một đứa thích ăn cơm, đặc biệt là cơm trắng

Nguồn tham khảo: healthline, Aworkoutroutine, Zing, tuổi trẻ.

Xem thêm các món ăn với cơm: Eat clean kiểu nhà quê, Cà ri tôm với trái vải, cá nướng nước cốt dừa kiểu Bali

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *